Giải tỏa các mối lo trước ngày cưới
Nếu chồng sắp cưới cứ nhất nhất đòi mặc chiếc áo sơ-mi cũ kỹ của anh ấy trong đám cưới, dù không thích bạn chớ phản đối. Nếu cần, bạn có thể chọn áo vest và cà-vạt sang trọng để đi kèm
Ảnh minh họa |
Đám cưới khiến bạn bối rối, lúng túng trước quá nhiều việc phát sinh. Vài gợi ý dưới đây có thể giúp bạn gỡ rối.
Chuyện của các chú rể:
- Vài người bạn thân của tôi và anh ấy dù tửu lượng kém nhưng rất nhiệt tình, không say không về. Tôi có nên mời họ dự đám cưới của mình không? Làm thế nào để ngày vui của tôi không bị họ làm ảnh hưởng?
Nhiều cô dâu, chú rể đã phải dở khóc dở cười khi tiệc cưới bị “phá hoại” bởi hành động quá nhiệt tình của bạn bè, họ hàng. Tuy nhiên, bạn cũng không thể không mời vì đó là những người thân.
Bạn có thể dùng cách nhẹ nhàng, “dặn dò” họ khi trao thiệp mời. Nên khéo léo nói bạn làm như vậy cũng chỉ vì lo lắng cho sức khoẻ của họ. Những người bạn tốt sẽ hiểu và thực hiện theo những gì bạn mong muốn.
Ngoài ra, khi chọn thực đơn tiệc cưới, bạn nên tiết giảm lượng thứ uống có cồn xuống mức thấp nhất. Bạn cần thoả thuận trước với nhà hàng, chỉ phục vụ bia thêm khi bạn cho phép. Nếu thấy họ bắt đầu quá đà, bạn nên ngưng cung cấp bia, rượu.
Chuyện của các cô dâu:
- Sắp đến đám cưới rồi mà giữa tôi và anh ấy luôn căng thẳng. Chúng tôi không thể thống nhất với nhau về bất kỳ một điểm nào trong việc tổ chức hôn lễ. Nhiều lúc tôi cảm thấy chán và không còn thiết tha nữa. Tôi phải làm sao?
Hãy xem đây là cơ hội đầu tiên để hai bạn làm quen với cuộc sống lứa đôi. Hôn nhân không có một vế “tôi”, mà phải là “chúng ta”. Hai bạn nên ngồi lại với nhau, bình tĩnh xem xét mọi vướng mắc, có thái độ thật nhẹ nhàng, từ tốn để tâm sự hết những điều mình không bằng lòng và cùng tìm cách giải quyết. Đừng vì chút bất đồng quan điểm mà làm hỏng không khí trong ngày vui chung của mình!
- Anh ấy và người yêu cũ thỉnh thoảng gặp nhau với tư cách bạn bè. Ngày cưới, anh muốn gửi thiệp mời đến cô ấy. Thật tình tôi không muốn, như vậy có sai?
Việc này thật khó cho bạn. Anh ấy muốn người xưa góp mặt trong thời khắc quan trọng của mình, đồng thời cũng muốn thử xem phản ứng của bạn thế nào. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn cứ thẳng thắn trao đổi trước khi thiệp mời được gửi đi. Như thế, chàng có thể hiểu vợ hơn và bạn cũng cảm thấy an tâm.
- Mẹ chồng tôi muốn tổ chức một đám cưới thật lớn, theo kiểu truyền thống. Tôi lại không muốn như vậy vì rất phiền phức và mệt mỏi. Liệu chúng tôi có thể chỉ đăng ký kết hôn rồi cùng đi du lịch mà không tổ chức đãi tiệc?
Một số bạn trẻ hiện nay cũng thích một đám cưới tự do như bạn. Thật ra, đám cưới chỉ là hình thức để hai bạn công khai giới thiệu người phối ngẫu của mình với mọi người. Theo quy định của pháp luật, chỉ cần hai bạn đăng ký kết hôn đúng thủ tục là đã trở thành vợ chồng hợp pháp.
Thế nhưng, mong muốn của mẹ chồng bạn là chính đáng. Nếu anh ấy là con một, mọi việc sẽ càng khó khăn hơn. Trước hết, bạn cần thuyết phục anh ấy về ý kiến của mình. Đặc biệt, nên xoáy vào chuyện tốn kém, không cần thiết nếu tổ chức lớn như thế. Sau đó, bạn nhờ anh thuyết phục mẹ. Nếu làm căng, bạn có thể mất điểm trước khi về nhà chồng làm dâu. Khi đã trở thành đôi, bạn có thể xoa dịu bà với tư cách là một người con dâu.
Chuyện liên quan đến gia đình, họ hàng:
- Bố mẹ tôi đã ly dị. Từ đó đến nay, quan hệ giữa họ không mấy tốt đẹp. Tôi phải làm thế nào để cải thiện tình hình khi đám cưới sắp đến gần?
Nhiều người dù không thể chịu được nhau vẫn cố che giấu trước mặt người khác, đặc biệt khi có sự hiện diện của con cái. Nếu bạn vẫn thấy lo lắng, chưa yên tâm hãy sắp cho mỗi người ngồi một bàn ở cách xa nhau và bỏ nhỏ: “Bố/mẹ quản lý khu vực đó giúp con nhé!”.
Bạn cũng có thể gặp và nói chuyện nhẹ nhàng, tế nhị với từng người trước đám cưới. Vì bạn, chắc chắn các cụ sẽ hiểu và nhún nhường nhau hơn.
- Một số họ hàng của cha mẹ tôi và anh ở quá xa. Nếu mời, tôi chưa chắc họ sẽ đến dự đám cưới. Vậy tôi có nên gửi thiệp đến cho họ không?
- Chắc chắn phải gửi thiệp mời cho họ để chứng tỏ bạn vẫn luôn nhớ đến người thân. Không chỉ thế, đây còn là cách để cha mẹ bạn thông báo đến họ hàng về “niềm hãnh diện” mới của gia đình. Người lớn rất câu nệ lễ nghĩa, nếu bạn không mời, sau này tình cờ biết được người thân sẽ trách móc. Để tránh khó xử, bạn đừng bỏ sót tên của họ trong danh sách khách mời của mình. Với những họ hàng ở nước ngoài, bạn cũng cần gửi thiệp báo tin.
- Mẹ tôi đề nghị để bà viết giúp thiệp cưới. Thế nhưng, chữ viết của bà lại quá xấu, rất khó đọc. Có cách nào từ chối khéo lời đề nghị mà không làm phiền lòng bà?
- Mẹ lo cho bạn nên mới đề nghị thế. Nếu bạn thực sự không muốn để mẹ giúp, hãy nói với bà: “Con cảm ơn mẹ. Nhưng con có thể tự mình làm được. Viết cả trăm tấm thiệp như thế cũng rất mệt. Mẹ hãy giữ gìn sức khoẻ để trở thành bà mẹ vợ tuyệt vời nhất trong đám cưới của con!”. Chắc chắn, bà sẽ không phật lòng khi nghe bạn nói như thế đâu.
- Mẹ tôi thường ngày vốn rất thích nói nhiều, bà bảo sẽ phát biểu trong đám cưới của tôi. Làm sao để bà không nói quá dông dài trong ngày trọng đại ấy?
- Trước tiên, bạn phải thông cảm cho mẹ. Bà mẹ nào cũng muốn bày tỏ sự xúc động trong ngày cưới của con gái mình. Thái độ gay gắt của bạn có thể làm mẹ buồn. Nếu không muốn bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa trong đám cưới, tốt nhất nên tâm sự cho mẹ hiểu. Bạn khéo léo bảo rằng thời gian buổi tiệc rất hạn hẹp, cần nói ngắn gọn, cô đọng để không làm ảnh hưởng đến những phần khác. Khi trình bày, phải thật cẩn thận để không làm tổn thương bà. Người già thường để ý đến những chi tiết nhỏ.
- Tuy đã cho phép chúng tôi kết hôn nhưng mẹ chồng và mẹ ruột của tôi vẫn không thích nhau ra mặt do mâu thuẫn từ trước. Tôi sợ trong đám cưới, hai bà sẽ có những lời khó nghe. Làm sao để tránh được điều này?
Bạn không nên lo lắng quá về thái độ của hai người. Ngày thường, họ có thể hục hặc nhau nhưng trong đám cưới của con, hai bà sẽ cư xử đúng mực vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự của họ.
Nếu vẫn chưa yên tâm về chuyện này, bạn và ông xã nên phân công nhau, mỗi người nói chuyện với mẹ của mình. Biết được lo lắng của hai bạn, các bà sẽ dẹp hiềm khích cá nhân của mình sang một bên ngay thôi.
- Tôi kết hôn với chồng người nước ngoài. Cha mẹ anh không biết gì về phong tục Việt Nam. Bố mẹ tôi lại khá phong kiến. Họ muốn cha mẹ anh phải nói lời xin phép khi đón tôi về làm dâu. Tôi phải làm sao đây?
Bạn cần tìm người chủ hôn lớn tuổi biết nói cả tiếng Việt và tiếng Anh. Người đó có thể đứng giữa, thay mặt bố mẹ anh ấy hoàn tất các thủ tục nghi lễ như ý bố mẹ bạn. Đồng thời, người chủ hôn có thể phiên dịch những lời của bố mẹ anh ấy, tránh những bất đồng về ngôn ngữ.