Banner

Văn hóa tuần trăng mật

Trăng mật là khoảng thời gian sau ngày cưới mà hai vợ chồng tận hưởng để bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời. Bởi vậy, đừng bao giờ đánh cắp hay đánh tráo khái niệm của cụm từ “tuần trăng mật.”

Trăng mật là khoảng thời gian sau ngày cưới mà hai vợ chồng tận hưởng để bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời. Bởi vậy, đừng bao giờ đánh cắp hay đánh tráo khái niệm của cụm từ “tuần trăng mật.”
 

Nói đến tuần trăng mật là nói đến sự ngọt ngào, nồng nàn và viên mãn. Còn gì đẹp hơn là khoảng thời gian đầu cuộc sống chung của lứa đôi, vừa đầy đam mê, vừa có chút lạ lẫm.

Văn hóa hưởng tuần trăng mật được du nhập từ phương Tây. Ở nước ta ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, xu hướng nghỉ tuần trăng mật ngày càng thịnh hành. Đời sống càng phát triển thì con người cũng có nhiều cơ hội hơn để tận hưởng.

Tuy nhiên, với không ít những người Việt thì văn hóa hưởng tuần trăng mật vẫn còn hạn chế. Lý do về kinh tế khiến nhiều người có muốn cũng đành gác lại. Bên cạnh đó cũng là do lối suy nghĩ, cách sống chưa được “chịu chơi”.

Có nhiều cặp vợ chồng hoàn toàn đủ điều kiện để tận hưởng một tuần trăng mật ngọt ngào. Nhưng suy đi tính lại, họ lại đành thôi. Cái “thôi” ở đây cũng do nhiều nguyên nhân. Họ không dám nghỉ làm quá nhiều vì sợ ảnh hưởng đến công viêc, thu nhập. Cũng có thể do suy nghĩ muốn tiêu khoản tiền sau cưới làm sao cho “thiết thực nhất”. Người chưa có nhà thì sẽ để dành và không thể “ăn chơi hoang phí”. Người có nhà rồi thì muốn sắm thêm bộ bàn tinh tươm, cái tủ hiện đại,… Họ cho rằng trăng mật là một nhu cầu chính đáng nhưng khá xa xỉ. Mà trong khi cuộc sống còn nhiều thứ cần chi tiêu thì không nên xa xỉ quá.

Họ tự an ủi là sẽ gác lại tuần trăng mật để khi nào “có điều kiện” sẽ thực hiện cho “hoành tráng”. Nhưng biết đến bao giờ và như thế nào mới là có điều kiện? Khi đã có cái này lại muốn có cái kia. Khi đã có tiền bạc thì thiếu thời gian. Khi có thời gian lại nảy sinh những lý do khác. Và có thể thực hiện đi chăng nữa thì làm sao “trăng mật tuổi già” có được cảm giác đặc biệt như “cái thuở ban đầu” ấy.

Có những cặp vợ chồng lại hưởng tuần trăng mật theo cái cách mà rất có thể làm tổn thương ý nghĩa của tuần trăng mật. Không cần phải phân tích rõ ra “trăng” là gì, ”mật” là gì, nhiều người cũng hiểu đó là khoảng thời gian mang tính tận hưởng và riêng tư.

Ấy vậy mà nhiều người đã tổ chức trăng mật giống như cuộc họp gia đình. Họ kết hợp chuyến nghỉ ngơi của hai vợ chồng với bố mẹ, anh em với lý do “lâu rồi cả nhà không có dịp”, hoặc “để gắn kết các thành viên trong gia đình”. Lúc này tuần trăng mật trở thành một cuộc tập dượt làm dâu cho cô vợ trẻ.

Có người kết hợp “hai trong một” mục đích trăng mật với việc thăm viếng họ hàng, bè bạn. Bây giờ lý do chính đáng được nêu ra là “ra mắt những người thân vì ở xa chưa có điều kiện về dự đám cưới”. Thêm vào đó là tư tưởng “nếu như nghỉ tuần trăng mật ở nơi có nhiều người thân quen sẽ không phải bỡ ngỡ về nơi chốn, có gì họ giúp đỡ”.

Vậy là trong khi nhiều nơi, người ta ra sức tổ chức các “tuần trăng mật thứ hai”, thứ ba, thứ n để hâm nóng tình yêu; thì chúng ta lại dùng “tuần trăng mật thứ hai” sau nhiều năm chung sống để thay cho “tuần trăng mật thứ nhât”. Trong khi những gia đình đã có con nhưng vẫn muốn gửi con để vợ chồng đi nghỉ riêng cùng nhau thì nhiều người lại rủ thêm người khác đi nghỉ với vợ chồng son cho rôm rả. Khỏi phải nói thì những kiểu hưởng tuần trăng mật thế này đã đánh mất ý nghĩa vốn có của nó.

Tuần trăng mật chỉ có một lần trong đời. Có thể vợ chồng trong suốt cuộc đời có vô vàn những tuần đi nghỉ cùng nhau. Nhưng những cảm xúc tinh khôi, trọn vẹn sau ngày cưới thì chỉ có trong tuần trăng đầu tiên mới có được. Cho nên, hãy biết cách nâng niu và trân trọng khoảng thời gian quý giá này. Hãy dành cho nó một sự đầu tư đúng tầm cả về tinh thần và vật chất. Để sau đó bạn sẽ bước vào một cuộc sống mới với hương lửa nồng nàn của tình yêu

theo ( tapchilamdep)