Quay phim ngày cưới thịnh trở lại
Các nhà quay video chuyên nghiệp ngày nay đã thực sự tìm được chỗ đứng cho mình bởi rất nhiều đôi lứa muốn ngày trọng đại của họ cần có những cảnh quay bằng công nghệ kỹ thuật số. Thời gian dài trước đó những chiếc băng video VHS vốn đã làm nhiều cô dâu chú rể bỏ qua.
Các nhà quay video chuyên nghiệp ngày nay đã thực sự tìm được chỗ đứng cho mình bởi rất nhiều đôi lứa muốn ngày trọng đại của họ cần có những cảnh quay bằng công nghệ kỹ thuật số. Thời gian dài trước đó những chiếc băng video VHS vốn đã làm nhiều cô dâu chú rể bỏ qua.
Thập niên 80, những đám cưới, lễ tang hay các dịp hội nghị…, thuê thợ quay camera vẫn còn là xa xỉ và ít người biết đến thì từ những năm từ 1992 đến 1996, phong trào quay video bằng công nghệ VHS (Video Home System) dùng tín hiệu analog phát triển khá mạnh. Thời kỳ này chỉ có những người thợ chuyên nghiệp mới có máy quay camera. Họ dùng để kinh doanh phục vụ hội nghị, đám cưới, sinh nhật, ma chay…chưa có máy cho dân nghiệp dư.
Nhà quay phim dịch vụ Tiến Dũng với chiếc camera số chuyên nghiệp Sony VX-2100 nhỏ nhắn và hiệu quả. Ảnh : Hoàng Hà. |
Nếu ai đã từng gặp các cameraman ngày đó hẳn sẽ còn nhớ họ mang trên vai mình một chiếc máy khá to và cồng kềnh và có thể kèm theo một bình ắc-quy đeo lủng lẳng bên vai chạy lăng xăng rất vất vả.
Hình ảnh được ghi lại từ những chiếc máy này cũng khá đẹp, mầu sắc trung thực làm hài lòng rất nhiều người nhất là các đôi cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Thật là quý khi ghi lại được những hình ảnh kỷ niệm sống động ấy cho những năm về sau.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết ở Việt Nam không thuận lợi, độ ẩm cao đã khiến cho những cuốn băng video ấy nhanh chóng mốc meo và không thể xem được. “Người nào giỏi lắm giữ được băng chừng hai năm”, một cameraman ở Hà Nội đã từng khẳng định như vậy.
Vì lý do này, từ những năm cuối thế kỷ 20 cho đến vài năm gần đây các đôi uyên ương khi lập gia đình phần lớn đã lạnh nhạt và quay lưng lại với phần hình động này mà chỉ chụp cho mình những bức hình lưu niệm. “Ảnh có thể xem mãi được không chán, xem cũng tiện hơn so với video”, anh Dương, một người lập gia đình năm 2001, ở phố Láng Hạ. Hà Nội nói. Anh cũng cho biết thêm hồi cưới anh không thuê thợ quay mà chỉ chụp ảnh vì rút kinh nghiệm từ chị gái mình lấy chồng trước đó vài năm, băng video mốc sạch không thể xem nổi.
Những năm gần đây khi công nghệ kỹ thuật số ra đời và phát triển rất mạnh thì những chiếc digital camera không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Thay vì dùng tín hiệu analog, camera số sử dụng bộ cảm biến CCD (Charge Coupled Device) để chuyển ánh sáng thành dòng điện qua một con chip. Một bộ ADC (Analog to Digital Converter) sẽ đo lượng điện tại mỗi tế bào quang điện và chuyển đổi giá trị đo lường này thành dạng số. Với công nghệ tiên tiến này, có những chiếc camera số với 3 CCD mang đến cho người xem những hình ảnh màu sắc rực rỡ, độ nét cao hơn nhiều so với camera VHS. Độ nhậy bắt ánh sáng cực tốt, không cần sử dụng đèn halogen trong những điều kiện trời thiếu sáng.
Mặt khác, quay phim kỹ thuật số mang lại rất nhiều sự tiện lợi cho người dùng như nối cáp với tivi xem luôn, chuyển sang đĩa DVD, VCD lưu giữ được lâu dài, có thể sao chép nhiều đĩa mà hình ảnh vẫn đẹp như băng gốc và tuyệt vời hơn là kết nối lưu trữ được trên máy vi tính. Camera số còn có ưu điểm là kích thước nhỏ gọn từ dòng chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Đặc biệt nữa là gần đây đã có nhiều người dùng phần mềm tin học cắt những đoạn hình yêu thích sau đó nén dung lượng nhỏ lại lưu vào điện thoại di động. Anh Thành Đông, nhân viên thiết kế quảng cáo một công ty ở phố Trịnh Hoài Đức, là người đã từng làm như vậy. Anh Đông cho biết, anh cưới vợ năm 2004 có thuê thợ quay camera số và kể cả các dịp hội nghị gần đây cơ quan anh đều quay phim ra đĩa DVD. Giá cả cho mỗi lần chi từ 1,2 đến 2 triệu đồng trọn gói, hơi cao nhưng bù lại anh và mọi người có được sự tiện lợi.
Những cảnh thơ mộng trong ngày trọng đại không thể thiếu những thước phim sống động. (Ảnh chụp màn hình) |
Hiệu ảnh Hoàng Phương ở Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội), có hai vợ chồng hành nghề chụp ảnh quay phim dịch vụ theo yêu cầu cho biết, hai năm gần đây các thợ quay camera ở Hà Nội hầu như bận túi bụi và kín lịch thay vì trước đó họ đã để mốc meo những chiếc máy Panasonic M3000, M9000 dùng băng to. Người quản lý một hiệu ảnh trên phố Bà Triệu cho biết, mùa cưới 2005 đến đầu năm 2006 vừa qua cửa hàng đã phải từ chối nhận khá nhiều khách yêu cầu quay video do thiếu thợ.
“Chưa năm nào nhiều người đặt quay phim nhiều như thế”, bà cũng cho biết thêm. Nhà quay phim Tiến Dũng có hiệu ảnh trên đường Giảng Võ, Hà Nội tiết lộ còn hơn một tháng nữa mùa cưới mới sôi động nhưng lịch quay của anh hầu như không còn ngày trống. Chủ yếu là do thợ quay còn quá ít so với thợ ảnh không đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Theo dự đoán của anh thì chỉ vài năm nữa các cameraman lại tràn ngập thị trường phục vụ. “Mặc dù nhiều gia đình có camera số nhưng họ vẫn thuê chúng tôi quay để đảm bảo chất lượng vì họ xác định sự lâu dài nên cần hình ảnh phải đẹp”, anh Dũng nói.
Quả thật, ngày nay khi đi dự đám cưới ai nấy đều dễ gặp cảnh tượng bốn năm chiếc camera tranh nhau chĩa về phía nhân vật chính khiến cho sự việc hết sức sôi động và long trọng.
Chị Lệ Thủy ở Đức Giang, Long Biên, người sẽ kết hôn vào tháng 11 tới đây cho biết chị đã đặt thợ quay video cho ngày đính hôn và cưới mình từ tháng trước. “Mục đích quay phim của tôi là có những hình ảnh sống động hiện thực lưu giữ lại để sau này con cái lớn khôn sẽ được xem ngày bố mẹ lấy nhau, đó là một điều rất thú vị mà thế hệ ông bà chúng không được hưởng”, chị Thủy tâm sự.
Phải thừa nhận rằng, công nghệ số hiện đại đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân. Khi những chiếc băng video làm cho người dùng quay lưng lại một thời gian khá dài thì với kỹ thuật ngày càng tiên tiến hiện nay, lĩnh vực số đã có thể chinh phục được ngay cả những người tiêu dùng khó tính nhất
Hoàng Hà