Banner

Đám cưới những bà bầu

Những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan niệm về các giá trị truyền thống và nhu cầu bức thiết của một đất nước đang bị già hóa mạnh mẽ, đã tạo nên một xu hướng mới ở đất nước Mặt trời mọc. Đó là đám cưới của những cô dâu mang bầu.

Những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan niệm về các giá trị truyền thống và nhu cầu bức thiết của một đất nước đang bị già hóa mạnh mẽ, đã tạo nên một xu hướng mới ở đất nước Mặt trời mọc. Đó là đám cưới của những cô dâu mang bầu.

 

Những tiệc cưới "giàu chất sắt”

Nhật Bản đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các lễ cưới có cô dâu mang bầu, có gần 1/3 (khoảng 30%) các cô dâu trẻ ở Nhật Bản hiện nay mang bầu trước khi cưới. Nhà báo Leo Lewis của tạp chí Asia Business hôm 22/6 đã miêu tả thực tế này một cách hóm hỉnh trên tờ The Times (Anh) rằng: "Bữa ăn tối đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc sẽ là một bữa ăn hoành tráng, giàu chất sắt, canxi và hợp chất carbonhydrates”.

Cô dâu Wakako Iwatani đến từ vùng Yokohama, phía đông nam đảo Honshu, đã chuẩn bị rất kĩ cho đám cưới của mình tại nhà thờ địa phương với những thay đổi đặc biệt dành cho một cô dâu mang bầu. Thay vì một bó hoa thông thường, Wakako sẽ cầm một bó hoa không mùi và ít bụi phấn để tránh dị ứng hay cảm giác khó chịu. Khi tiến vào nhà thờ, cô sẽ cẩn thận ngồi xuống một chiếc ghế rộng hơn bình thường cùng với một đội ngũ hỗ trợ luôn túc trực bên cạnh, đề phòng những triệu chứng nghén buổi sáng khi cô bước lên bục làm lễ với chủ rể Keisuke.
 

Ảnh minh họa.

Những công đoạn mà Wakako phải thực hiện là một phần của dịch vụ "Hạnh phúc nhân đôi” – một dịch vụ đang trở thành thị trường béo bở của các công ty tổ chức cưới hỏi. "Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng những đám cưới Dekichatta-kon (tên của đám cưới có cô dâu mang bầu) đã không ngừng tăng lên” - Megumi Takanami, người tổ chức đám cưới cho Wakako và Keisuke nói - "Năm ngoái, 1/4 các cô dâu mà chúng tôi phục vụ đều đã mang bầu, không ít cô dâu đã có bầu 8 tháng rồi”. Theo Megumi, sự thay đổi quan điểm về hôn lễ đang diễn ra rất nhanh tại Nhật Bản. Trước đây, cô dâu chú rể thường ngại ngùng và nhiệm vụ của các công ty dịch vụ là "ém nhẹm” việc mang bầu của cô dâu, nhưng nay mọi người đều rất thoải mái và các công ty cũng nhanh nhạy thay đổi phương thức phục vụ để làm hài lòng các bà mẹ tương lai.

"Người ta thường chỉ chụp ảnh cưới và bỏ qua việc tổ chức tiệc tùng nếu cô dâu đã mang bầu, nhưng hiện nay, 30% các cô dâu mang bầu mong muốn được tổ chức sự kiện trọng đại này một cách trọn vẹn”, phát ngôn viên Chika Hirotani của công ty Watabe Wedding cho biết. Tại Tokyo, nhiều công ty còn quảng cáo dịch vụ của mình với tên gọi rất thú vị "Mamarrige” (ghép của 2 từ tiếng Anh là Mama, nghĩa là "Mẹ”, và Marriage là "kết hôn”).

Bản chất của sự đổi thay

Điều dễ nhận thấy nhất của xu hướng các cô dâu mang bầu chính là sự thay đổi trong quan điểm của người Nhật Bản vốn coi việc mang thai trước khi kết hôn là điều cấm kị. Xu hướng này bắt đầu từ những năm 1990, khi nước Nhật bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già, với tỉ lệ sinh ngày càng thấp và trào lưu sống độc thân không sinh con của phụ nữ tiếp tục lan rộng. Trong vòng 28 năm qua, số trẻ em dưới 15 tuổi tiếp tục tụt xuống một mức thấp mới, khiến nhiều phụ huynh bắt đầu coi việc con gái mình mang thai và sắp lên chức ông bà là ưu tiên hàng đầu. "Thay vì chỉ trích người đàn ông khiến con gái mình mang bầu, các ông bố bà mẹ hiện nay còn tỏ ra biết ơn”, chuyên gia tổ chức cưới hỏi Takanami phân tích.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có phải xu hướng mới này thực sự bắt nguồn từ sự suy giảm tỉ lệ sinh của phụ nữ Nhật Bản? Theo phân tích của chuyên gia dân số học Machiko Yanagishita, thuộc Đại học Quốc tế Josai (Nhật Bản), cần phải nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn. Cô dâu mang bầu có thể rơi vào trường hợp thiếu nữ mang thai tuổi vị thành niên – một vấn đề xã hội nhức nhối tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới – hoặc những người độ tuổi 20 hoặc 30 cố tình mang thai để "ép” cưới. "Tôi tin rằng hầu hết phụ nữ trẻ Nhật Bản hiện nay không thể tìm được một lý do thật tốt hoặc một thời điểm thích hợp để kết hôn. Việc mang thai có lẽ sẽ khiến họ cân nhắc việc kết hôn một cách nghiêm túc hơn”, bà Machiko phân tích.
 

Tỉ lệ sinh của phụ nữ Nhật Bản hiện nay có xu hướng đạt mốc 1,25 trẻ, thấp hơn mức 2,1 trẻ cần phải có để duy trì mức dân số ổn định. Theo thống kê năm 2000 của Bộ Y tế, Lao động và Dân sinh Nhật Bản, trong số 569.000 ca sinh, tỉ lệ phụ nữ mang thai trước khi cưới là 26%, gấp 2 lần so với năm 1980. Đặc biệt, với những ca sinh con đầu lòng của năm 2000, số thiếu nữ tuổi vị thành niên chiếm tới 82%.

theo giadinh.net,vn