Banner

15 thắc mắc trước ngày cưới!

Mùa cưới đang đến... Bên cạnh niềm vui là nỗi lo của rất nhiều cô dâu chú rể trước khi bước vào sự kiện trọng đại của đời mình. Họ sẽ làm chồng, làm vợ như thế nào? Sau ngày cưới bao lâu có thể đặt vấn đề với chồng về chuyện... đưa lương cho vợ? Nên đề nghị thế nào để chồng không bị... sốc và nghĩ vợ "tiền bạc" quá?

Mùa cưới đang đến... Bên cạnh niềm vui là nỗi lo của rất nhiều cô dâu chú rể trước khi bước vào sự kiện trọng đại của đời mình. Họ sẽ làm chồng, làm vợ như thế nào?


 


1. Sau ngày cưới bao lâu có thể đặt vấn đề với chồng về chuyện... đưa lương cho vợ? Nên đề nghị thế nào để chồng không bị... sốc và nghĩ vợ "tiền bạc" quá?

- Ngày cưới là ngày đánh dấu mốc "khẳng định chủ quyền" của cả hai bạn, nên sau đó phải cố gắng thực thi thế mạnh "chủ quyền" càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên chuyện "giành quyền kiểm soát" tiền lương nếu không khéo có thể dẫn đến... chiến tranh lạnh; nhưng cũng không thể để chàng "giả đò ngó lơ” quá... một tháng. Người vợ có thể bàn cụ thể với chồng về kế hoạch chi tiêu của gia đình "chúng mình" để nhắc nhở nhiệm vụ... nộp lương của anh ấy.

2. Nên chọn phương thức nào: 1-đề nghị chồng đưa hết lương rồi phát lại cho chồng một khoản, 2-đề nghị một con số hợp lý để chồng nộp, 3-lập quỹ chung, để mỗi người tự giác đóng góp…

- Dứt khoát khi đã ăn chung, ngủ chung thì tiền bạc cũng phải thu chung, có vậy việc chi chung mới có thể... thông suốt được chứ! Phương án chồng đưa hết lương và mình phát lại để chồng tiêu vặt nghe có vẻ... vặt quá, có thể làm chồng nghĩ vợ đang... làm mẹ chồng chứ không phải làm bà xã.

Chuyện lập quỹ chung lại mang tính chất "đóng thuế" nên chắc sẽ có lần... quên. Do vậy có thể đề nghị "con số hợp lý” và tăng dần theo mức... lạm phát để chồng cảm thấy tự do và "vỗ về" được tính sĩ diện hơi bị lớn của đàn ông!

4. Với khoản tiền dành để giúp cha mẹ hai bên, nên thống nhất với nhau hay bí mật đưa cho cha mẹ bên mình, không nói gì với chồng/vợ?

- Cha mẹ của cả hai đều là cha mẹ chung, việc hỗ trợ tài chính cho họ là đạo lý và là nghệ thuật để chinh phục người phối ngẫu suốt đời. Thống nhất với nhau về chuyện dành tiền giúp cha mẹ hai bên là điều cần thiết. Nhiều người từng trải cho rằng chồng nên thực hiện nghĩa vụ này với cha mẹ vợ và ngược lại. Điều đó sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ nhà vợ - chàng rể, nhà chồng - nàng dâu và tăng tính minh bạch và ý nghĩa của việc làm trên.

5. Có nên nói cho chồng/ vợ biết thu nhập cụ thể của mình không? Hay chỉ nói chung chung?

- Thường thì chúng ta phải...kê khai thu nhập trong mọi tình huống. Nhưng cũng không nhất thiết phải có bản kê chi tiết như để... nộp thuế mà chỉ cần thông báo số tròn để chồng/vợ yên tâm về sự ổn định của "kinh tế vĩ mô”. Nói số tròn không có nghĩa là chung chung, cũng không có nghĩa chỉ "nộp" một ít để còn "mai kia mốt nọ”.

6. Nếu mình ở với nhà chồng nhưng đi sớm về trễ, cả ngày ở cơ quan... Phải làm gì để nhà chồng có cảm tình với mình?

- Đi sớm về trễ và ít có mặt ở nhà có thể làm nhà chồng không vui. Nhưng có thể có hình thức khác để bù lại và tạo được niềm vui cho gia đình. Điều quan trọng là cần tìm hiểu tâm trạng, sở thích hoặc những mong đợi của nhà chồng với cô dâu là gì để "đáp ứng trong điều kiện có thể"; về nhà cố gắng trò chuyện nhiều hơn và cười nhiều hơn với mọi người.

7. Nếu bị mẹ chồng nhận xét không đúng trước mặt chồng thì vợ nên làm gì để chồng không hiểu lầm mình và lại không mang tiếng hỗn với mẹ chồng?

- Không nhất thiết phản pháo mẹ chồng ngay lúc đó nhưng cũng không nên ngồi yên "án binh bất động". Một phản ứng dữ dội sẽ làm mẹ phật ý, nhưng nếu có ý kiến nhẹ nhàng và không quan trọng hóa vấn đề thì không khí sẽ không trở nên căng thẳng. Với chồng, cần trao đổi riêng, thẳng thắn về điều mình nghĩ, về các nhận xét của mẹ để chồng biết rõ vấn đề. Việc tìm cách "lôi kéo" chồng công khai đứng về phía mình là điều khá tế nhị và rất khó khăn.

8. Nếu mẹ chồng phân công lao động cho con dâu nhưng cô ấy không quen làm việc nhà, chồng phải xử lý như thế nào để gia đình êm ấm?

"Họ nằm mơ trong những ngày chưa cưới. Nhưng cưới rồi thì họ tỉnh giấc" 

(Alexander Pope)

- Không quen làm việc nhà không có nghĩa không thể làm được. Nếu "đồng vợ đồng chồng" thì làm gì mà chẳng được! Chồng có thể hỗ trợ vợ làm việc nhà trong những ngày đầu để cô ấy quen dần và thích nghi với chuyện làm dâu. Tuy nhiên, nếu việc nặng quá thì chồng cần nỗ lực "thương lượng" với mẹ để giảm bớt áp lực về sức khỏe cũng như trạng thái tinh thần cho vợ!

9. Tôi rất thích viết blog nhưng chồng tương lai của tôi không thích điều đó. Liệu khi về chung sống với nhau, để giữ hòa khí tôi phải bỏ đi sở thích này của mình sao?

- Trong đời, ai cũng có những sở thích nhất định nhưng nhiều lúc phải cân nhắc để tiếp tục thích hay phải... quên đi cho thanh thản đời mình nếu sở thích đó gây rắc rối cho mình. Dù sao anh ấy cũng  mới là chồng tương lai  nên có thể tiếp tục điều đình, rồi "mặc cả” để chung sống hòa bình. Trước mắt hãy viết blog ca ngợi tình yêu đang có và mời anh ấy đọc thử cho biết để rồi nghiện luôn việc đọc những lời có cánh. Nếu... đất vẫn không chịu trời thì trời phải chịu đất, hoặc tiếp tục thích và sẵn sàng đối phó... chiến tranh!

10. Có cần phải lập ra những quy định về cuộc sống chung ngay sau khi kết hôn? Ví dụ về nhà trễ nhất mấy giờ, không được làm những gì…Hay để mọi việc diễn ra tự nhiên và điều chỉnh dần?

- Có thể quy ước một số vấn đề nhưng không nhất thiết phải như một bản nội quy hay ký cam kết trách nhiệm. Việc "mềm hóa" các quy định có thể theo khuynh hướng đừng quá khắt khe và không nhằm vào việc thay đổi thói quen của từng người. Tuy vậy, các quy định có thể được thực hiện trong quá trình dài lâu thông qua  việc "ôn bài" thường xuyên. Rất khó điều chỉnh nếu cứ sống tự nhiên mà không có "định hướng" nào cả.

11. Vấn đề tiết kiệm có cần phải nêu ra ngay trong những tuần lễ đầu sống chung hay từ từ bàn sau, vì chồng tương lai của tôi có thói quen tiêu xài…

- Chồng có thói quen tiêu xài thì tất nhiên cần phải biết cách "kiềm chế lạm phát". Nhưng nếu tuyên chiến ngay khi mới "nhập hai làm một" thì có thể gặp sự cố hoặc tạo ra căng thẳng không cần thiết. Việc tiết kiệm cũng không chỉ là nói hoặc hứa mà chủ yếu bằng hành động thực tế. Do đó cuộc sống sẽ bày ra muôn điều phải đối diện và tính toán để tồn tại. Thảo luận với chồng cách tiết kiệm để có đủ tiền xây dựng mái nhà riêng là biện pháp có thể áp dụng được.

12. Gia đình vợ tương lai đã gửi gắm cho chúng tôi một cô em vợ lên học ở TP.HCM. Tôi rất thích sự tự do riêng tư của hai vợ chồng nên không thích việc trên. Tôi phải giải quyết như thế nào?

- Đã nhận lời gửi gắm từ trước khi cưới thì nên cố gắng thực hiện "hợp đồng", nếu không thì có thể bị xem là chỉ biết hứa để cưới được vợ mà thôi. Mặt khác, nếu xem em vợ cũng như em mình thì sẽ được nhà vợ quý trọng và vợ càng yêu mình hơn. Ai cũng cần có khoảng trời riêng, vợ chồng có thể thống nhất vài nguyên tắc để không cảm thấy mất tự do khi có em cùng sống trong nhà, không để sự hiện diện của người em chen vào cuộc sống riêng của gia đình mình. Người em cũng cần được "thông báo" về nguyên tắc này một cách tế nhị và linh hoạt.

13. Phải làm gì với những cơn xích mích, mâu thuẫn vợ chồng đầu tiên sau ngày cưới?

- Những mâu thuẫn đầu tiên sau ngày cưới cũng như những chướng ngại vật bất ngờ lộ ra trên con đường đẹp đẽ mới vừa được xây dựng. Cần bình tĩnh vượt qua và cần thiện chí bày tỏ cảm xúc với nguyên tắc: không tấn công, không phê phán, không chỉ trích, không cho rằng chỉ có mình đúng và "đối tác" sai, không tìm cách thay đổi triệt để người kia…

14. Tôi không muốn lập lại khuôn mẫu của người phụ nữ VN, lúc nào cũng nhẫn nhục chịu đựng chồng. Liệu tôi có phải công bố "tuyên ngôn" này cho anh ấy trước ngày cưới?

- Có thể công bố "tuyên ngôn" này trước ngày cưới bằng thứ "ngôn ngữ dễ thương" nào đó. Và cũng có thể thể hiện quan điểm ấy bằng hành động cụ thể trong những cuộc trò chuyện hoặc qua những lần hò hẹn, để anh ấy... chuẩn bị tinh thần trước và có nề nếp cư xử... bình đẳng ngay từ thời sắp cưới. Tuy nhiên bạn nên cẩn trọng về cấp độ của sự bình đẳng, sự thái quá cũng có thể dẫn đến việc người nhẫn nhục chịu đựng là... chồng tương lai của bạn!

15. Tôi phải làm gì nếu phát hiện những lời nói dối đầu tiên của vợ/chồng? Nên lờ đi hay làm ra lẽ để lần sau chồng/vợ không tái phạm?

- Nếu lờ đi thì người kia tưởng mình... khờ, nếu làm ra lẽ thì người kia tưởng họ là... tội phạm. Do đó nên có những biểu hiện ngầm cho người ấy hiểu mình có biết về điều đó, đủ để người ấy "không qua mặt" được mình và tự giác sửa đổi thái độ.


Theo TTO