Tìm phong cách văn hoá cho đám cưới Việt
Trong khoảng hơn mười năm gần đây, việc tổ chức đám cưới ở Việt Nam ngày càng vui nhộn, sang trọng. Tất nhiên mọi người đều có quyền tổ chức lễ cưới theo khả năng và sở thích của mình. Nhưng muốn có một mô hình đám cưới phù hợp nếp sống mới và mang dấu ấn thuần phong mỹ tục Việt Nam thì còn nhiều điểm phải xem lại
Trong khoảng hơn mười năm gần đây, việc tổ chức đám cưới ở Việt Nam ngày càng vui nhộn, sang trọng. Tất nhiên mọi người đều có quyền tổ chức lễ cưới theo khả năng và sở thích của mình.
|
Nhưng muốn có một mô hình đám cưới phù hợp nếp sống mới và mang dấu ấn thuần phong mỹ tục Việt Nam thì còn nhiều điểm phải xem lại Phần gia lễ Nhìn chung tạm ổn. Việc coi tuổi, coi ngày tuy vẫn còn duy trì nhưng không còn là khung cửa hẹp để cản trở những đôi lứa quyết tâm đi đến hôn nhân. Tuy vậy cũng có khi cha mẹ cô dâu hoặc chú rể mượn cớ không hợp tuổi để từ chối những cuộc hôn nhân mà họ không tán thành vì những lý do tế nhị khác. Ngày nay các thầy coi ngày cũng rất thoáng. Họ biết kết hợp ngày tốt của âm lịch với ngày dương lịch thuận lợi cho tổ chức đám cưới. Chỉ còn sót lại vài nơi ở vùng sâu vùng xa, ông thầy coi ngày chưa "đổi mới tư duy", có khi quy định ngày giờ lành tốt một cách cứng nhắc, hành nhà trai phải đi rước râu vào nửa đêm gà gáy rất vất vả. Cho đến nay hầu hết đám cưới đều rơi vào khoảng thời gian vài tháng trước tết âm lịch. Như thế cô dâu chú rể sẽ được hưởng thời kỳ trăng mật vào đầu mùa xuân. Nhưng đây lại là một nỗi khổ tâm đối với khách mời. Gần tết ai cũng lu bu trăm việc mà mỗi tuần nhận được vài thiệp mời đám cưới là thấy mệt rồi. Giá như đám cưới được tổ chức giãn ra tại nhiều thời điểm khác nhau thì dễ chịu hơn. Trong phần nghi lễ tổ chức tại nhà riêng, một số gia đình phong kiến có tục bắt cô dâu chú rể lạy sống ông bà cha mẹ. Như thế có lẽ cũng hơi quá đáng. Chỉ cần quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, còn đối với người sống chào kính là đủ. Trong lễ vật của nhà trai bắt buộc khi nào cũng phải có một quả cau trầu bưng rất nặng nhưng sau đó không ai ăn, không biết đổ bỏ đi đâu. Theo tôi không cần dùng nguyên cả buồng cau mà chỉ cần một đĩa tượng trưng và chính trong buổi lễ tại gia này, cô dâu và chú rể nên mời nhau ăn cau trầu thật sự. Ăn cho môi hồng, máu đỏ, tăng thêm phần duyên dáng tự tin. Tục ăn cau trầu của nhân dân ta đã có từ hàng ngàn năm, nay đã gần thất truyền. Thế nhưng thanh niên nam nữ Đài Loan học lấy thành mốt hiện hành hiện nay. Ăn cau trầu cũng như nhai kẹo cao su, bạ đâu nhổ đấy thì rất phiền. Nhưng một đời ăn một miếng "cau sáu bổ ba" kèm một miếng trầu têm hình cánh phượng để ghi lại dấu son trong kỷ niệm và duy trì thuần phong mỹ tục của dân tộc - sao lại không nhỉ? Nếu tập quán này được phục hồi thì trong các lễ hội dân gian có thể tổ chức cuộc thi lột cau, têm trầu để trao giải thưởng bàn tay vàng cho những cô Tấm ngày nay. Đám cưới của người Khmer có tục buộc chỉ đỏ. Chú rể được trao một đĩa đựng những sợi chỉ màu đỏ để buộc vào cườm tay cô dâu với ý nghĩa giữ chặt tình yêu và hạnh phúc. Có bao nhiêu sợi trong đĩa cũng phải buộc cho hết mới thôi. Trải bao biến động mà tục lệ này vẫn còn giữ được. Ở nhà hàng Đáng phàn nàn nhất là việc chủ, khách chờ đợi nhau quá lâu trước giờ khai mạc. Giấy mời 17 giờ mà đến 19 giờ mới bắt đầu làm lễ. 20 giờ vào tiệc thì mọi người đều mệt mỏi. Thời gian tiếp khách chỉ nên kéo dài 1 giờ. Muốn cải thiện điều này cần có sự quyết tâm hợp tác giữa chủ, khách và cả phía nhà hàng để tạo tiền lệ, chắc cũng không khó. Cô dâu, chú rể và hai sui gia đã đón khách từ ngoài cổng lại gia mắt quan khách trên sân khấu thì cũng đã đủ lễ. Nên miễn cho họ cái việc đi chào bàn. Đi cho hết ba bốn chục bàn thì cô dâu chú rể đuối như trái chuối, đêm động phòng nằm lăn quay ra ngủ, còn gì là xuân? Đám cưới nhà hàng rất cần MC. Nhưng nhiều MC giới thiệu dài dòng, lời lẽ quê mùa sáo rỗng, lại hay yêu cầu cô dâu chú rể làm việc nhảm nhí như "hôn nhau thắm thiết" hoặc chú rể ẵm cô dâu đi một vòng... Đúng ra MC đám cưới cũng là một nghề cần được đào tạo huấn luyện có bài bản. Các cô dâu thường tốn rất nhiều tiền đến tiệm trang điểm để đem về cho chú rể và quan khách một bộ mặt lạ hoắc và giống như đào hát trên sân khấu. Dưới lớp son phấn ấy. Da mặt cô dâu dày như cái bánh kem trở nên vô cảm, đẹp đẽ gì đâu? Về trang phục cả cô dâu và chú rể nên mặc quốc phục. Chiếc áo dài, khăn vành đủ sức tôn vinh nhan sắc của cô dâu Việt Nam, cần gì thuê mướn mấy cái áo voan dài đuôi của mấy bà đầm, mà thực ra có giống đầm gì lắm đâu. Âm nhạc dùng trong đám cưới cũng là nét văn hóa đáng chú ý. Các đám cưới ở nhà hàng hiện nay thường dùng hai ca khúc làm nhạc nền là bài Happy New Year và Eva Maria. Hai bài ấy tuy giai điệu rất tươi sáng nhưng ý nghĩa và lời ca không ăn nhập gì đến đám cưới Việt Nam. Trong khi đó nền tân nhạc và dân ca nhạc cổ VN hoàn toàn không thiếu những tác phẩm hay để thay thế. Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng và trách nhiệm của các hãng băng đĩa. Rất cần một đĩa nhạc chọn lọc riêng để dùng cho đám cưới Việt Nam. Có lần tôi được mời dự đám cưới hạng sang tại nhà hàng New World - TPHCM, dọn theo kiểu buffet, nghĩa là khách mời kể cả nhiều vị cao tuổi đều phải bon chen xếp hàng và seft-service. Thật là không phải lễ đãi người già theo truyền thống Á Đông. Tôi cũng có lần đi dự đám cưới ở miệt vườn miền Tây Nam Bộ, khách khứa tự động rủ nhau đến ăn uống ngửa nghiêng, kéo dài hai ba ngày, chưa hết rượu thịt thì nhiều người chưa chịu về. Lại một làn tôi được chứng kiến một đám cưới thật nghèo. Cô dâu chú rể là một đôi bạn trẻ sống ở lề đường. Họ kêu hai chiếc xe hủ tiếu, bày bàn ghế phục vụ chừng vài chục khách mời. Từ đám cưới thật sang đến đám cưới thật nghèo như thế tôi đều có dự và cảm thấy cái này không phải, cái kia cũng không. Thế nhưng lâu nay đã có một mô hình đám cưới nổi lên như một điểm sáng văn hóa nhưng lại rất ít người biết. Đó là đám cưới gắn liền với con đường hạnh phúc dài 5 km ở một làng quê thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Con đường ấy do những đôi trai gái trước kia làm đám cưới tự nguyện đóng góp một đoạn đường bê tông dài 3m rộng 3m. Đám cưới của họ nhất định phải rước dâu trên con đường ấy. Từ tháng 10/1997 UBND xã Điền Hòa (Phong Điền Thừa Thiên Huế) đã phát động việc này và nuôi dưỡng thành phong trào. Cho đến nay con đường hạnh phúc đã ghi tên của hơn 1400 cặp vợ chồng và làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã này: trẻ đẹp và văn minh. "Con đường hạnh phúc" nói trên chỉ là một sáng kiến và có thể còn nhiều cách làm khác hay hơn. Nhưng muốn có một mô hình văn hóa cho đám cưới Việt Nam, tất phải định hướng, xây dựng và vận động chứ không thể thả nổi vấn đề này cho các nhà hàng, dịch vụ cưới hỏi và các MC của họ. (Theo DT) |