Khi đến nhà hàng chiêu đãi, nên thêm vào túi trang điểm của bạn một chiếc lược, bình keo xịt tóc và một máy sấy tóc, những lúc cấp bách bạn sẽ cần đến chúng.
Những bộ váy cưới cần nhẹ nhàng vì bạn phải mang những bộ cánh ấy gần 10 tiếng đồng hồ trong ngày cưới và nên chọn loại vải không nhăn.
Kiểm tra lại đôi giày cao gót của mình, đừng để xảy ra những sự cố như: đứt quai, gãy gót khi bạn đang tiếp khách.
Nếu phần lai áo trước quá dài, nên nhờ thợ khâu lên giúp bạn. Vấp té là điều tối kỵ của cô dâu khi đãi tiệc.
Nên chuẩn bị sẵn một chiếc khăn ấm hoặc lạnh trong phòng thay đồ, mỗi lần thay đổi trang phục phải lau mồ hôi thật sạch, sau đó xịt một ít nước hoa lên cổ.
Luôn tươi cười trước camera và máy ảnh, thể hiện niềm hạnh phúc bạn cảm nhận được trong ngày cưới khi chú rể và người thân muốn xem lại phim hay hình.
Bạn phải nắm rõ ai là người phát biểu (bố, mẹ hay người chủ hôn…) và họ sẽ nói gì trong lễ cưới của bạn. Lắm cô dâu, chú rể đã “sững sờ” khi bố mẹ của họ cứ “thao thao bất tuyệt” về những vấn đề chẳng đâu vào đâu.
Đôi khi vì quá bận rộn nên chú rể có thể không biết nhẫn cưới… để quên ở đâu. Bạn phải là người nhắc anh ấy trước khi lễ cưới diễn ra vài giờ.
Hoa cầm tay là điều cô dâu thường hay quên nhất. Nên nhờ chị em gái hoặc cô bạn thân lo việc đó cho bạn.
Phải chắc chắn các tài xế đi theo xe hoa đều biết đường từ nhà gái đến nhà trai. Nhiều lễ cưới đã không diễn ra đúng giờ vì xe này lạc xe kia.
Trong buổi tiệc, bạn đừng quá lo lắng về những vấn đề như: thức ăn sao chưa mang lên, bàn còn hay hết, khi nào sẽ cắt bánh cưới… Nếu không bạn sẽ trở thành cô dâu “lăng xăng” trong ngày hôn lễ.
Dành thời gian để tiếp đãi khách mời. Rất nhiều người phàn nàn sau khi dự tiệc là “không thể nói một lời chúc mừng trực tiếp vì cô dâu, chú rể quá bận”.
Lúc thay đổi trang phục bạn nên tranh thủ ăn một chút gì đó, thậm chí cũng có thể “câu giờ” để nghỉ ngơi nếu bạn không đủ sức. |