Banner

Chia sẻ hình ảnh đám cưới Việt trong thế kỷ XX

Đám cưới người Việt ở mỗi thời kỳ mang đặc trưng riêng, ghi lại dấu ấn văn hóa, đời sống người dân các giai đoạn khác nhau. Hơn 400 bức ảnh cưới cùng các hiện vật liên quan tập hợp lại ở Bảo tàng Dân tộc học đã tái hiện một phần những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người

Đám cưới người Việt ở mỗi thời kỳ mang đặc trưng riêng, ghi lại dấu ấn văn hóa, đời sống người dân các giai đoạn khác nhau. Hơn 400 bức ảnh cưới cùng các hiện vật liên quan tập hợp lại ở Bảo tàng Dân tộc học đã tái hiện một phần những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người


 


Cuộc vận động sưu tầm và chia sẻ những hình ảnh đám cưới VN trong thế kỷ XX từ hơn một năm nay, cuối cùng đã hội tụ được nhiều bức ảnh có ý nghĩa về các lễ nghi đám cưới. Với độ lùi của thời gian, khi nhìn lại hơn 400 tấm ảnh, người ta có thể so sánh và nhận diện sự biến đổi văn hóa, quan niệm thẩm mỹ của người Việt trong suốt 100 năm qua. Từ các bước cưới, dạm ngõ, ăn hỏi cho đến trang phục của cô dâu chú rể, trang trí phông màn, đều có những biến chuyển theo đời sống lịch sử.

Các bức ảnh mà Bảo tàng thu thập được chia thành nhiều thời kỳ: Trước năm 1945: Sưu tầm được 60 bức (trong đó chủ yếu là ảnh những năm 30), 1945-1975: 182 bức; 1976-1985: 125 bức và 1986 đến nay: 38 bức. Những tấm ảnh này hầu hết là kỷ niệm riêng tư nhưng có nhiều gia đình đã hào hứng chia sẻ cùng Bảo tàng. Như ông Đỗ Xuân Viên gửi tới 56 bức ảnh, gia đình cố luật sư Đỗ Xuân Sảng hay ông Trịnh Văn The hơn 20 tấm ảnh.

Người ta có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh lễ cưới của ông Đỗ Xuân Sảng. Chú rể trong trang phục comple, cô dâu trong chiếc áo dài cổ sang trọng xuất hiện giữa rất đông khách dự là hình ảnh tiêu biểu của những đám cưới trí thức thượng lưu những năm 30.

Nhưng lại có những hôn lễ rất giản dị, hòa chung với niềm chiến thắng của toàn quân, sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, cô dâu, chú rể ôm hoa đứng trên hầm Đờ-cát. Chú rể mặc áo lính, cô dâu mặc áo bà ba, gương mặt họ rạng ngời hạnh phúc. Những tấm ảnh cưới ấy vô tình là chứng nhân quý giá của lịch sử. Hạnh phúc của đời người đến đồng thời với cả một dân tộc càng trở nên có ý nghĩa. Rồi những năm 75, đám cưới đôi yên ương nào cũng xuất hiện cùng dòng chữ "vui duyên mới, không quên nhiệm vụ".
Đám cưới ở nông thôn. Nhà gái căng dây đò lệ phí nhà trai.


Trong suốt 100 năm của dân tộc với nhiều biến đổi, lễ nghi cưới hỏi là một phần không thể thiếu của đời sống. 405 tấm ảnh và các loại thiệp cưới, giấy đăng ký kết hôn nhiều khi đã mốc và hoen ố được lưu giữ lại, chừng ấy có lẽ vẫn chưa đủ để khắc họa lại hình ảnh của đám cưới xuyên thế kỷ. Các tấm ảnh sưu tầm được cũng chủ yếu là của các gia đình trí thức thành thị, còn thiếu những đám cưới cổ ở nông thôn và các nghi thức cưới ở các tỉnh phía Nam, các dân tộc thiểu số vẫn còn vắng bóng. Hiện bảo tàng mới có trong tay 5 ảnh cưới của người Cơ Tu, 6 ảnh của người Chu Ru. Những hiện vật xuất hiện thưa thớt khiến cho người xem khó hình dung về diện mạo của những đám cưới trong sự phát triển của lịch sử.

Và với mong muốn sưu tầm những hình ảnh hiện vật đó để kể lại cho người hôm nay những câu chuyện tình cảm động của những người hôm qua, người ta vẫn chờ đợi sự chia sẻ của mọi người dân ở các vùng miền để có được một Đám cưới VN xuyên thế kỷ vào năm 2005 tại Bảo tàng dân tộc học.


EVA.vn