Ảnh cưới bi hài ký
Hằng nhăn nhó: “Sao mọi người chụp ảnh cưới đẹp mà của em thì xấu thế! Em có béo đến thế đâu, nhưng bà chủ ảnh viện T. “cố vấn” cho em mặc váy sa tanh nên trông như mợ, bọn bạn em cứ rú lên là sao mày không biết ăn kiêng à”.
| ||
Mỗi lần ai đòi xem ảnh cưới, Hằng chỉ cười lảng lảng rồi im bặt. Từ khi nhận cuốn album ảnh giá 4 triệu rưỡi về, cô giấu tiệt vào góc tủ. Đến chồng cô còn bảo: “Trông em như Nữ hoàng Êlidabét đệ nhị!”.
Hằng nhăn nhó: “Sao mọi người chụp ảnh cưới đẹp mà của em thì xấu thế! Em có béo đến thế đâu, nhưng bà chủ ảnh viện T. “cố vấn” cho em mặc váy sa tanh nên trông như mợ, bọn bạn em cứ rú lên là sao mày không biết ăn kiêng à”.
Rồi cô kể lể tiếp, giọng vẫn chưa hết tức tối: “Em bảo chỉ thích “xì-tai” giản dị cổ truyền, thế là anh giai trang điểm làm cho em cái đầu tóc búi của bà má miền Nam, cắm lơ phơ mấy cái hoa lan tím ngắt, mặt đánh trắng toát, mặc váy vàng rồi cầm một bó hoa cẩm chướng giả màu da cam! Về mẹ chồng em bảo trông như diễn viên kinh kịch!”.
Tại một hiệu ảnh lớn trên phố Nguyễn Văn Cừ - Long Biên, ngoài phòng chờ luôn có 5, 6 đôi đợi đến lượt chụp ảnh hoặc giữa hiệp ra ngoài nghỉ ngơi. Nhân viên ảnh viện tranh thủ bán luôn bánh giò và La Vie cho các đôi uyên ương lấy sức chiến đấu tiếp.
Nhiều bậc cha mẹ hai bên đến chụp ảnh cùng, đôi khi các cụ còn chải chuốt hơn lớp trẻ. Bác Tuyết, nhà Bạch Mai, mẹ một cô dâu mới hớn hở tâm sự: “Cô đã may 4 cái áo dài dịp đám cưới cái Lan nhà cô, một cái in hoa chìm nhã nhặn để ăn hỏi, nhìn gần mà, cái kia để mặc tiếp khách hôm cưới, còn cái này hoa đỏ nền đen thì để chụp cho nó ăn ảnh!”.
Các ảnh viện mùa cưới nhộn nhịp đông vui, bởi cặp tân lang tân nương nào cũng muốn có những bức ảnh đẹp nhất với tâm lý “cả đời chỉ có một lần, phải ăn chơi cho bằng thiên hạ”.
Các tay máy nghệ thuật nổi tiếng cũng nhiều người vào cuộc chụp ảnh cưới. Sản phẩm ở đây thường không “đụng hàng” và giá cả cũng khỏi “đụng hàng” luôn.
Phương Linh và chồng lặn lội từ Hà Nội vào TPHCM chụp một serie ảnh cưới tại studio của nhiếp ảnh gia T.N. Trở ra Hà Nội, ai cũng tấm tắc với những bức ảnh lạ và độc đáo, cô dâu được tôn hết vẻ đẹp da nâu hồng, cặp mắt mí lót đầy cá tính.
Tuy nhiên “độc đáo” theo kiểu “supermodel” (siêu mẫu) như đôi Thụy Vy và Huy thì lại là một câu chuyện bi hài. Chú rể được anh stylist cố vấn mặc complet phanh ngực trần, đeo cà vạt đỏ, tay cầm bó hồng đỏ, đầu hơi cúi, mắt nhìn lạnh lùng như các anh người mẫu nam.
Nhưng khổ nỗi, Huy ít thể dục thể thao nên cái cà vạt đỏ lòng thòng trên bộ ngực lép kẹp phô ra trông như tranh biếm hoạ! Cô dâu Thụy Vy thì đi chân đất, kéo váy đến đầu gối, ngồi ghế bành, vắt hai chân vào nhau nhưng bắp chân to như bắp chuối. Xem xong bộ ảnh ai cũng phải bấm bụng cười.
Gần đây, phong trào chụp ảnh cưới ngoài trời phát triển rầm rộ. Vài năm trước, tại Hà Nội, vào những ngày đẹp, khu vực Nhà hát Lớn và Khách sạn Hilton có đến hàng chục đôi dập dìu tấp nập chụp ảnh.
Bây giờ thì địa điểm nóng đã chuyển sang Bảo tàng Dân tộc học ở đường Nguyễn Văn Huyên - Cầu Giấy. “View” ở đây rất phong phú với cây cối, suối nước, nhà sàn, nhà rông các loại... Giá cả lại “mềm”: chỉ 50 nghìn “bến bãi” và 5 nghìn vào cửa mỗi người là cả bầu đoàn có thể tung tăng từ sớm đến tối chụp mệt nghỉ.
Các ngày nắng đẹp, khu vực toilet luôn đông nghịt các cô dâu thay đồ. Mỗi cô phải ít nhất 4, 5 bộ chụp mới đã! Xung quanh tấp nập bạn bè đi “cổ động” cho có không khí, người cầm dụng cụ hắt sáng, người xách va ly quần áo to sụ, người thì phồng mồm thổi bong bóng xà phòng tạo cảnh thiên đường lung linh huyền ảo. Thỉnh thoảng lại có chú rể nằm vật ra ở bãi cỏ, không biết là vì mệt quá hay là vì tạo dáng để chụp ảnh cho đẹp!
Một số studio có tổ chức các ngày trong tuần đi chụp ngoại cảnh ở Đông Anh, Bắc Ninh, Sóc Sơn… cho các đôi đã đăng ký trong tuần. Mùa này, các vườn hoa cải đã vàng rực ven sông Đuống, sông Cầu, nhiều đôi uyên ương không quản ngại đường xa lặn lội xống áo đạo cụ đến nhằm lưu giữ những hình ảnh đẹp.
Phương Nghi, nhà Cầu Giấy khoe những hình ảnh cô dâu chú rể chụp ở vườn cải cúc vàng rực rỡ ven sông Đuống trông như cảnh đồng hoa bên Hà Lan, nhưng cô cười nói thêm: “Ngại lắm, trời mưa nắng thất thường, rồi lại thay áo cưới giữa thiên nhiên! Em lại còn ngã một phát ven triền đê, bẩn bê bết, nhà cho thuê áo bắt bồi thường”.
Có cô dâu chú rể lại chụp ảnh với xe công nông, ngất nghểu trên thùng ô tô tải, rồi cô dâu mặc váy trắng muốt, đi guốc, cưỡi trâu. Quả thực là để có được bộ sưu tập ảnh độc đi khoe, “đương sự” phải có thừa lòng kiên nhẫn, tiền bạc và sự can đảm!
Ở Tiền Giang, các đôi còn vào Nghĩa trang liệt sĩ để chụp ảnh cưới do một nhà nhiếp ảnh có tiếng chụp. Mọi người kể chuyện với nhau rằng, ở đây câu hỏi: “Khi nào định vô nghĩa trang?” có nghĩa là khi nào thì chụp hình cưới!
Nhưng hình ảnh các đôi lứa trước khi chụp ảnh đều thắp hương tưởng niệm và cầu nguyện hương hồn các liệt sĩ phù hộ là một hình ảnh đầy xúc động và ý nghĩa.
Để có một bộ ảnh cưới đẹp, độc đáo, các cặp uyên ương nên xác định rõ “phong cách chủ đạo” hợp với tính cách và điều kiện của chính mình để từ đó chọn studio có “xì tai” phù hợp.
Anh S., một người chụp ảnh cưới rất có phong cách trên diễn đàn photo.vn tâm sự: “Nhiều đôi đến nhờ mình chụp những kiểu “độc” nhưng khi sau tiếp xúc, nắm bắt được gu của họ rồi, mình mới quyết định style của bộ ảnh.
Chẳng hạn như đôi nào chỉn chu, trịnh trọng thì nên chụp studio hay những cảnh làng quê truyền thống. Đôi nào có tính cách mạnh và “diễn” tốt thì mới dàn cảnh những kiểu lạ. Mỗi đôi nên chọn kiểu đúng với con người hàng ngày của mình thì ảnh cưới mới có hồn được!”.