Những khi chụp hình, người ta phải ra tiệm, chụp bằng những máy to đùng có phủ vải đen. Tất cả đều là hình đen trắng nhưng được xử lý cực kỳ cẩn thận nên hàng chục năm sau, nước hình cũng không mờ.
Cả đời người khi đó chụp ảnh vài lần thôi, và đám cưới rõ ràng là một lần như thế. Trước ngày cưới, cô dâu chú rể và có thể là cả nhà ra tiệm, chụp vài tấm theo kiểu vai kề vai, có ôm hoa hoặc đứng sau ông bà, cha mẹ ngồi trên ghế bành. Còn lúc đám cưới cử hành, hầu như không có chụp hình gì cả.
Mãi sau năm 1975, khi miền Nam giải phóng, một lượng lớn máy ảnh cũ của Nhật tràn ra Bắc, chụp hình đám cưới mới phổ biến hơn. Các ông thợ đã được mời tới tận nhà, tham gia vào lễ ăn hỏi, lễ đón dâu và... dự tiệc (trước nay các tiệc cưới hầu hết là tiệc ngọt gồm bánh kẹo, thuốc lá, mãi tới lúc đó mới xuất hiện tiệc mặn).
Các bác "phó nhòm" được trọng vọng lắm bởi bản thân việc có chiếc máy ảnh cũng đủ trọng vọng rồi. Ngoài tiền công ra, thợ ảnh còn được gia chủ tiếp đón trang trọng, được ngồi ăn ở mâm đặc biệt có giò chả (mâm khác đôi khi chỉ có thịt heo luộc và canh miến với củ su hào xào). Chụp đám cưới lúc đó là nguồn sống chủ yếu của sinh viên quay phim ngành điện ảnh. Anh nào đi chụp nhiều, có tác phong tự tin, có tiền và béo tốt, hơn hẳn kẻ khác.
Thời gian ngày càng trôi qua. Xã hội ngày càng phát triển. Hình cưới ngày càng phong phú hơn. Từ chụp phim Orwo của Đông Đức cũ tới chụp phim Kodak của Mỹ. Từ hình đen trắng tới hình màu. Cô dâu chú rể ngày càng đòi hỏi tay nghề, hóa trang, quần áo và... diễn xuất.
Từ tiệm, chiếc máy ảnh đã về nhà rồi ra công viên, ra nhà thờ và ra... bảo tàng. Hầu như chả có cô dâu chú rể tân tiến nào trước khi cưới bây giờ không dẫn nhau tới các địa điểm trên với vai trò đạo diễn của ông thợ ảnh. Thế là đuôi áo dài cả chục mét. Thế là dựa vào tường gạch đỏ, là tựa vào cột nhà kiểu La Mã hoặc nằm xoài trên... bãi cỏ xanh, chả thiếu tư thế, động tác nào. Có ngày tại khuôn viên bảo tàng, hàng chục tân lang và tân nương lũ lượt tạo dáng, trở thành nguồn kinh phí chủ yếu cho cơ quan.
Hình chụp in cỡ 9x12 là xưa rồi. Người ta bây giờ in hình to bằng khổ A4 và có cả những tấm to bằng cái chiếu để treo trước phòng tiệc nhằm giúp khách quan khi đi dự cưới khỏi đi nhầm (nhưng khách vẫn nhầm vì khối người có biết mặt cô dâu chú rể đâu). Nếu là đám cưới cực sang hoặc chưa sang nhưng muốn "giả" sang thì cô dâu chú rể còn... "xách" nhau và "xách" cả ông thợ hình lên Mũi Né, Vũng Tàu. Ra đồi cát, ra đồi dương và ra sóng biển.
Tôi có anh bạn mở tiệm chụp hình khá nổi tiếng, điện thoại cho anh mười lần thì tám lần đang trên đồi cát. Chi phí cho chuyến chụp hình như thế phải vài chục triệu đồng. Và khi mở album ra xem, chả hiểu tại sao phần lớn các đám đó là chú rể già hoặc chú rể béo, hay vừa béo vừa già cưới cô dâu trẻ. Và đã có những đôi đi nước ngoài chụp hình, "xách" anh thợ đi theo, hình cưới cũng không chân phương, cổ điển nữa mà thợ phải ra sức chỉnh sửa, kỹ xảo trên vi tính nom... rất chi là nghệ thuật. In ảnh trên giấy cũng là xoàng. Hiện nay đã có in trên kim loại, in trên ni lông và in trên... đĩa.
Chụp với sơ mi, quần tây, chụp với áo dài khăn đóng, chụp với comple, áo "soa-rê" kiểu pháp hay Mỹ cũng là xoàng. Đã xuất hiện những đôi chụp... chẳng có gì, nghĩa là cô dâu chú rể không mặc. Mốt này xuất hiện ở Tàu nay cũng có lúc lấp ló tại Ta.
Nói gì thì nói, dịch vụ chụp hình cưới là một thị trường đang phát triển và có tiềm năng, y như dịch vụ... chữa răng. Số lượng các studio cũng như chất lượng của chúng ngày càng cao, cô dâu chú rể có thể hoàn toàn tin tưởng nếu... có tiền. (Theo Mỹ thuật) |