Phòng ngừa viêm chân tóc
Mái tóc đẹp khiến chị em luôn tự tin và đẹp hơn trong mắt phái mạnh. Chăm sóc tóc cần chăm sóc từ chân tóc để tránh viêm chân tóc khiến ngứa ngáy, khó chịu và tóc dễ gãy rụng. Viêm chân tóc khiến tóc rụng nhiều và có thể để lại sẹo
Mái tóc đẹp khiến chị em luôn tự tin và đẹp hơn trong mắt phái mạnh. Chăm sóc tóc cần chăm sóc từ chân tóc để tránh viêm chân tóc khiến ngứa ngáy, khó chịu và tóc dễ gãy rụng. Viêm chân tóc khiến tóc rụng nhiều và có thể để lại sẹo
Mỗi sợi tóc trên đầu đều có chân tóc và chân tóc nằm gọn trong nang tóc. Nguồn dinh dưỡng chính để nuôi tóc vẫn là thức ăn theo đường máu đến nang tóc để nuôi tóc. Da đầu là một trong những vùng trên cơ thể tập trung nhiều tạp khuẩn, liên cầu, tụ cầu... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn, da đầu có nhiều gầu hay bẩn, gây ngứa khó chịu, dẫn đến gãi nhiều, làm sây sát da đầu... thì những tạp khuẩn, liên cầu và tụ cầu sẽ phát triển, trở thành vi khuẩn gây bệnh, dẫn tới viêm chân tóc.
Viêm chân tóc thực chất là viêm nang lông sâu mạn tính. Ngoài ra, người dùng nước gội đầu có độ tẩy gầu cao, làm da đầu mất hết lớp mỡ bảo vệ tự nhiên cũng có nguy cơ phát sinh viêm chân tóc. Viêm chân tóc hay gặp ở những người tóc dầu, do vi khuẩn liên cầu hoặc nấm gây nên.
Người lao động chân tay luôn ra mồ hôi nhưng ít tắm gội cũng hay bị viêm chân tóc. Viêm chân tóc biểu hiện thành sẩn hoặc mụn mủ nhỏ như hạt kê ở chân tóc. Khi mụn khô, đóng vảy màu nâu sẫm quanh chân tóc, nếu cậy ra sẽ rớm dịch và rớm máu.
Viêm chân tóc gây ngứa, càng gãi càng lan sang các vùng chân tóc lân cận. Các sẩn, mụn tập trung nhiều nhất ở đỉnh đầu, sau gáy, hai bên thái dương. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến bị chốc lở, đóng từng mảng vẩy tiết ra màu vàng sẫm, nổi hạch đau hai bên cổ gáy.
Vì viêm chân tóc thường ngứa, người bị viêm tưởng là do bẩn, càng gội nhiều càng vò kỹ, càng làm mất lớp mỡ đề kháng của da đầu, khi đó, vi khuẩn và nấm càng dễ phát triển, khiến cho bệnh trở thành mạn tính kéo dài. Có khi bệnh lan sang vùng nách, dẫn đến nổi đinh nhọt, gây ngứa khó chịu, không ngủ được, lâu dần có thể bị suy nhược thần kinh. Viêm chân tóc nặng, kéo dài dai dẳng, sau khi điều trị lành cũng thường để lại sẹo, và ở vùng đó tóc bị rụng.
Phòng ngừa viêm chân tóc
Điều trước tiên là phải thường xuyên gội đầu sạch sẽ và đúng cách. Những người lao động nặng hay ra mồ hôi ướt tóc và người có da dầu tóc thường bị bết lại phải thường xuyên gội đầu sạch sẽ để tránh các chất bẩn bịt kín nang tóc, dẫn tới viêm. Chọn nước gội đầu phù hợp với từng loại tóc và khi gội đầu chớ vò xát quá mạnh làm xây xát da đầu, có thể dẫn tới viêm nhiễm.
Lưu ý, không dùng dầu gội đầu có độ tẩy quá cao sẽ làm mất hết lớp chất nhờn bảo vệ da đầu, khiến cho các loại vi khuẩn và nấm dễ phát triển, gây viêm. Khi da đầu bị ngứa và nổi sẩn, bạn cần đến các thầy thuốc chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị bệnh kịp thời. Tùy từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh (tại chỗ hoặc toàn thân)... Tuyệt đối không tùy tiện nghe theo lời mách bảo của người khác, tự ý mua thuốc bôi hay uống có thể dẫn đế những biến chứng rất nguy hiểm như viêm nhiễm kéo dài, hoặc rụng tóc từng mảng...